Vạch đích của mẹ
Quy trình - Sự kiện - Thành tựu

Những em bé thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ

Ngày 30 tháng 4 năm 1998, ngày chào đón sự ra đời của ba em bé thụ tinh ống nghiệm (TTON) đầu tiên của nước ta. Đây là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. Ba em bé được đặt tên là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo. Mỗi cái tên mang một số phận nhưng đều tựu chung ý nghĩa vô cùng đặc biệt, như một món quà vô giá gửi tặng những người mang cho các em cuộc sống diệu kỳ này.

Ba em bé thụ tinh ống nghiệm (TTON) đầu tiên của nước ta

Hơn 16.300 em bé thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện

25 năm hình thành và phát triển, khoa Hiếm Muộn tự hào đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản:

  • 1995: Thực hiện thành công bơm tinh trùng đầu tiên với tinh trùng lọc rửa.
  • 1997: Thực hiện ca TTON đầu tiên.
  • 1998: Ba em bé đầu tiên từ kỹ thuật TTON ra đời tại Việt Nam.
  • 1999: Em bé đầu tiên từ kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) tại Việt Nam.
Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI)
  • 2000: Em bé đầu tiên từ Thụ tinh trong ống nghiệm xin trứng.
  • 2002:
    • Em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật MESA-ICSI (MESA là kỹ thuật lấy tinh trùng từ phẫu thuật mào tinh).
    • Sanh đôi đầu tiên sau kỹ thuật giảm thai.
  • 2003:
    • Em bé đầu tiên từ phôi trữ.
    • Em bé đầu tiên từ kỹ thuật PESA-ICSI (PESA là một kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh).
    • Em bé thứ 1000 ra đời từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Từ Dũ.
  • 2004:
    • Em bé đầu tiên từ kỹ thuật TESE-ICSI (TESE là một kỹ thuật phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn).
    • Các kỹ thuật PESA, MESA, TESE giúp các bệnh nhân vô tinh (không xuất tinh được theo ngã. thông thường) có cơ hội có con từ tinh trùng của chính mình.
    • Em bé đầu tiên từ trứng trữ lạnh và tinh trùng trữ lạnh.
  • 2005: Em bé thứ 2000 ra đời từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Từ Dũ.
  • 2007: Em bé đầu tiên từ kỹ thuật trữ phôi nhanh.
Hình lấy phôi từ nito lỏng
  • 2008:
    • Em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật IVM (trưởng thành trứng non trong ống nghiệm).
    • Thực hiện kỹ thuật phôi thoát màng bằng laser (AH).
    • Kỹ thuật thoát màng phôi giúp tăng cơ hội làm tổ cho phôi trong các trường hợp khó như màng phôi dày, phụ nữ lớn tuổi.
  • 2009:
    • Thực hiện nuôi phôi ngày 5.
    • Lợi ích của việc thực hiện nuôi phôi ngày 5 là làm tăng cơ hội có được một phôi tốt, giúp gia tăng sự làm tổ của phôi, tăng tỉ lệ thành công, giảm khả năng đa thai do chọn lựa số phôi chuyển ít hơn.
  • 2010: Thiết lập quy trình PGD (chẩn đoán di truyền tiền làm tổ).
  • 2011:
    • Thực hiện kỹ thuật IMSI (kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng cải tiến).
    • Đây là kỹ thuật cải tiến của ICSI, giúp chọn lựa tinh trùng kỹ lưỡng hơn để tiêm vào bào tương trứng.
    • Em bé TTON thứ 4000.
  • 2013: Thực hiện nuôi cấy phôi ở các buồng ủ riêng biệt, đây là trang thiết bị nuôi cấy phôi hiện đại giúp ổn định sự phát triển, tăng chất lượng phôi góp phần tăng tỉ lệ có thai.
  • 2015: Tổ chức quy trình xét duyệt và thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo nghị định chính phủ. Bệnh viện Từ Dũ là trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam được Bộ Y Tế cấp phép thực hiện kỹ thuật này. Đây là một kỹ thuật mang tính nhân văn cao, giúp cho những phụ nữ không may không thể mang thai bằng tử cung của mình vẫn có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ.
  • 2016: Thiết lập quy trình nghiên cứu trữ rã mô buồng trứng.
  • 2017: Đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế về hỗ trợ sinh sản. Chứng chỉ này được thẩm định hằng năm và vẫn liên tục đạt yêu cầu từ năm 2017 đến nay.
Các bằng RTAC
  • 2018:
    • PGD triển khai thực tế và ca chuyển phôi đầu tiên sau kỹ thuật PGD có thai.
    • Nguyên tắc của kỹ thuật PGT là các phôi sẽ được xét nghiệm để loại trừ khả năng có các bất thường về mặt di truyền trước khi cấy vào buồng tử cung và phát triển thành thai nhi. Với kỹ thuật này, các vợ chồng mang bệnh di truyền vẫn có thể cho ra đời các em bé khoẻ mạnh.

Tổng số em bé thụ tinh ống nghiệm (TTON) đã chào đời đến nay từ khoa Hiếm Muộn Bệnh viện Từ Dũ là hơn 16.300 bé.

Số lượt khám hiếm muộn trung bình mỗi năm là: 55.000 – 60.000 lượt khám/năm.

Tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây là hơn 22.000 ca.

Tỉ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm có thể lên đến 45,7%.

Số chu kỳ TTON trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ. 

Các em bé TTON

Thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ

Bệnh viện Từ Dũ cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản. Từ năm 2002, bệnh viện đã bắt đầu tổ chức các khóa học về hỗ trợ sinh sản. Trải qua các năm thì ngày càng nhiều các khóa học được mở ra với mong muốn có thể đào tạo ra được một đội ngũ cán bộ y tế chuyên nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Để chúng ta cùng nhau chung tay thực hiện ước mơ của rất nhiều cặp vợ chồng đang mong con.

Trung bình mỗi năm sẽ có 2 lớp đào tạo về TTON, 02 lớp về IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) và 01 khóa chuyên về đào tạo chuyên gia phôi học.

Lớp học IVF

Bên cạnh đó, các Bác sĩ của khoa Hiếm Muộn Bệnh viện Từ Dũ cũng liên tục cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm điều trị cùng các đồng nghiệp toàn thế giới, thông qua việc báo cáo và tham dự tại các hội thảo quốc tế, cũng như công bố các nghiên cứu của mình trên các chuyên sản uy tín quốc tế.

Các bác sĩ tham gia báo cáo khoa học

Với tôn chỉ lấy khách hàng làm trung tâm và không ngừng nâng cấp cải tiến trải nghiệm dịch vụ chăm sóc, điều trị. Chúng tôi có triển khai khu khám hẹn giờ với đặc trưng là tất cả dịch vụ đều tập trung xoay quanh khách hàng, giảm thiểu công sức thời gian di chuyển và chờ đợi cho khách hàng.

Khu VIP của bệnh viện

Gần đây nhất, vào năm 2023, chúng tôi đã triển khai khu Chăm sóc khách hàng TTON mới hoàn toàn, toạ lạc tại lầu 8 khu B, với hệ thống phòng tư vấn, phòng nghỉ sau thủ thuật khang trang và riêng tư nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Khu B của Bệnh viện Từ Dũ
Khu B của Bệnh viện Từ Dũ