Vạch đích của mẹ
Chuyên gia - Chuyên môn

Xin trứng làm IVF – Giải pháp cho phụ nữ suy giảm chức năng buồng trứng

Lập gia đình, có thai, sinh con là ước mơ của tất cả các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể thực hiện được ước mơ bình dị này. Những người phụ nữ, những người vợ, sau khi lập gia đình vì nhiều lý do khách quan không thể có thai. Một trong những lý do đáng ngại nhất là hiện tượng suy giảm chức năng buồng trứng, điều này làm cho khả năng làm mẹ của họ không thể thực hiện được.

Để giải quyết tình trạng này, xin trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) với tinh trùng của người chồng của cặp vợ chồng hiếm muộn là giải pháp tối ưu nhất. Sau đó, phôi có được sẽ được cấy vào buồng tử cung của người vợ. Nhờ kỹ thuật này, người vợ bị hiếm muộn do nguyên nhân buồng trứng suy yếu vẫn có thể mang thai và sinh đẻ bình thường. Kỹ thuật TTTON với trứng hiến tặng thành công trên thế giới từ năm 1984. Kỹ thuật này hiện nay được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới.

Vì sao phụ nữ suy giảm chức năng buồng trứng cần xin trứng?

Hiếm muộn xảy ra ở khoảng 10-12% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản. Có nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn, trong đó, suy giảm chức năng của buồng trứng đóng một vai trò quan trọng. Chức năng sinh sản của buồng trứng bắt đầu ở người phụ nữ từ lúc dậy thì, khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện và bắt đầu giảm dần từ 30 tuổi trở đi, đặc biệt là sau 35 tuổi, buồng trứng suy giảm rất nhanh. Sau 40 tuổi, gần 1/3 phụ nữ bình thường không còn có khả năng có thai tự nhiên, mặc dù tuổi mãn kinh thường trong khoảng từ 45 đến 50 tuổi.

Thống kê cho thấy rằng, có 1% phụ nữ do bẩm sinh hay do quá trình tiêu hủy tế bào trứng diễn ra quá nhanh làm cho nguồn dự trữ buồng trứng bị suy giảm nghiêm trọng. Và hậu quả là “hết trứng” dù chưa đến 40 tuổi; tình trạng này gọi là “suy buồng trứng sớm”. Ngoài ra, do bệnh lý ở buồng trứng, hay phẫu thuật trên buồng trứng làm buồng trứng bị “suy sụp” nhanh hơn bình thường nên cũng bị “hết trứng” sớm hơn.

Vấn đề dự trữ buồng trứng không chỉ liên quan đến khả năng thụ thai của người phụ nữ, mà còn liên quan đến vấn đề sảy thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng sẩy thai xảy ra ở những người có dự trữ buồng trứng giảm đặc biệt cao hơn so với những người phụ nữ có dự trữ buồng trứng bình thường. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này liên quan đến sự suy giảm chất lượng nang noãn ở những phụ nữ có dự trữ buồng trứng kém.

Người phụ nữ sinh ra luôn có một số lượng nang noãn nhất định trong suốt cuộc đời. Số lượng các nang noãn đạt đến đỉnh điểm vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, khoảng 7 triệu, sau đó giảm đi nhanh chóng còn 2 triệu lúc sinh và 300000 nang noãn khi dậy thì. Trong số các nang noãn này chỉ có khoảng 400-500 nang có hiện tượng phóng noãn, nghĩa là có khả năng thụ thai, các nang còn lại tiếp tục giảm dần và hết khi mãn kinh.

Mỗi chu kỳ tự nhiên chỉ có một đến hai nang noãn vượt trội và phóng noãn. Để điều này xảy ra, cần huy động một quần thể từ 400-500 nang noãn nguyên thủy được chiêu mộ từ 3 chu kỳ trước. Quần thể này giảm dần do hiện tượng thoái hóa dưới ảnh hưởng của các nội tiết hướng sinh dục, cuối cùng chỉ còn một đến hai nang vượt trội vài ngày trước khi có hiện tượng phóng noãn.

Xin trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm

Cơ thể con người và khả năng tiếp nhận trứng hiến tặng

Với sự thành công của TTTON vào năm 1978, người ta thấy rằng hiện tượng thụ tinh giữa trứng và tinh trùng người có thể diễn ra bên ngoài cơ thể.

Bằng các tiến bộ vượt bậc của Y học, các nhà khoa học nhận thấy tử cung của người phụ nữ vẫn còn khả năng mang thai một thời gian khá lâu, hơn 10 năm sau khi buồng trứng ngưng hoạt động (sau khi mãn kinh). Thành công này giúp những người phụ nữ mà buồng trứng suy yếu hoặc không còn hoạt động, vẫn có thể mang thai, sinh đẻ, thực hiện thiên chức thiêng liêng của phụ nữ.

Thụ tinh trong ống nghiệm với trứng người cho thành công đầu tiên trên thế giới năm 1984, người ta thấy rằng một người phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh với phôi tạo thành từ trứng của người phụ nữ khác. Thậm chí khoa học còn có thể làm hơn như thế nữa khi vào năm 1997, một phụ nữ 63 tuổi, đã mãn kinh, vẫn có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh với trứng hiến tặng được công bố trên thế giới.

Tại Việt Nam, trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm – xin trứng đầu tiên thành công được thực hiện tại Bệnh Viện Từ Dũ năm 1999. Vì nhiều lý do khách quan, số bệnh nhân hiếm muộn lớn tuổi, buồng trứng suy giảm chức năng ngày càng nhiều. Do đó, nhu cầu áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm – xin trứng rất lớn.

Ban đầu, xin trứng, hay hiến trứng được áp dụng cho những trường hợp suy buồng trứng sớm. Sau đó, kỹ thuật này được mở rộng cho những trường hợp khác như: bất thường nhiễm sắc thể người mẹ, đáp ứng buồng trứng kém với kích thích buồng trứng, IVF thất bại nhiều lần, trứng thụ tinh bất thường khi làm thụ tinh trong ống nghiệm…

Hiến trứng – mang lại mầm sống và niềm hạnh phúc

Mỗi tháng dù muốn hay không vẫn có hàng trăm, hàng ngàn thế bào trứng từ 2 buồng trứng của người phụ nữ tự tiêu hủy do quy luật sinh học. Trong khi đó, chỉ cần một số rất nhỏ trong số đó, đã có thể góp phần tạo nên một mầm sống, một cuộc sống mới, mang lại niềm hạnh phúc, hy vọng và mục đích sống của một người phụ nữ; hơn nữa, đó có thể là hạnh phúc của cả một gia đình, một dòng tộc. Với mục đích đó, hiến tặng trứng là một nghĩa cử mang tính nhân bản sâu sắc.

Hiến tặng trứng mang lại nhiều ý nghĩa cao cả

Tài liệu tham khảo:

  • D.Navot, N.Laufer, J.Kopolovic et al. Artificial induced endometrialcycles and establishment of pregnancies in the absence of ovaries. N.Engl J Meb; 1984, 314:806-811.
  • J.M.Anasti. Premature ovarian failure: an update. Fertil. Steril;1998,70:1-15.
  • R.J.Pailson, M.H.Thomton, M.M.Francis et al. successful pregnancy in a 63-year-old woman. Fertil Steril; 1997,67:949-951.
  • Leon Speroff, Robert H. Glass, Nathan G. KaseThe ovary: Embryology and development, Handbook for clinical gynecologic endocrinology and infertility, Lippincott Williams and Wilkins, 2002, p54-64
  • V.T.N.Lan, H.M.Tường, N.T.N. Phượng, P.V.Thanh. Trường hợp cho trứng thành công đầu tiên tại Việt Nam. Thời sự Y dược học; 1999, 5:254-256